Bạn có phải là một thợ nail “pro”?
– Linda Nguyen làm nail chắc đã lâu? – Chúng tôi hỏi cô gái có dáng người hơi thấp, nhưng rất ấn tượng bởi chị có đôi mắt biết cười, nói chuyện cũng rất thoải mái.
– Từ năm 1994 đến nay, anh! ( cười)
– Em nghĩ thế nào là một thợ nail Pro?
– Có đạo đức nghề nghiệp và tay nghề vững vàng!
– Ồ rất hay! Cám ơn em
– Còn Tracy Tran nghĩ sao?
– Theo em thì làm giỏi, có lương tâm nghề nghiệp, biết giữ lời hứa với khách, đồng nghiệp, không ganh tị nói xấu đồng nghiệp.
– Theo em thợ nail làm móng nhanh như tốc độ bay của hỏa tiễn có phải là thợ nail pro không?
– Làm nhanh thì tốt nhưng làm nhanh quá thì không hay?!
– Vì sao vậy?
– Bọn em hay dùng từ “chạy khách” để nói đến việc làm nhanh nhưng “chạy khách” theo kiểu làm quá nhanh đến đỗi làm qua loa, làm đại khái có khi làm ẩu để “hốt” tiếp khách khác là cách làm chụp giựt, thiếu trung thực!
– Cám ơn vì ý kiến chân thành của em.
– Riêng Anna Pham thì sao? Chị có thích được mọi người gọi là thợ nail Pro không? Theo em tiệm nail có nên có thợ nail Pro không và bao nhiêu thì vừa?
– Em không dám nghĩ vậy, dù làm nail đã lâu nhưng em nghĩ mình vẫn còn phải học hỏi nhiều. Còn có những chị làm lâu năm hơn, giỏi hơn rất nhiều! Một tiệm nail càng có nhiều thợ nails giỏi càng tốt, tiệm sẽ hấp dẫn khách hơn. Còn thợ nail pro đúng nghĩa em nghĩ phải là người vừa có tay nghề giỏi, có kinh nghiệm lại vừa phải có hạnh kiểm nghề nghiệp “good”!
– Hạnh kiểm nghề nghiệp “good”?!
– Vâng nghĩa là được khách và đồng nghiệp quý mến bởi tính chuyên nghiệp và sống hết mình vì nghề nghiệp của mình và vì khách hàng của mình.
– Như vậy có xa vời quá không?
– Có những cô thợ nails ăn mặc rất “mode”, nhìn người khác kể cả khách bằng con mắt khinh khỉnh, nhảy tiệm như “ bắt cóc bỏ đĩa”, sẵn sàng xung đột với đồng nghiệp bất cứ lúc nào, làm thì ẩu mà lúc nào cũng ra vẻ mình là dân Pro thường không ở tiệm nào lâu được vì tánh quá ích kỷ, không có sự trung thực và cả sự trung thành.
– Trung thực và trung thành?
– Bọn em nghĩ làm nghề nào cũng phải có sự trung thực, đơn giản là “dám làm dám chịu”, không bao giờ đổ lỗi cho người khác, cũng không ma mảnh để lấn lướt đồng nghiệp, qua mặt khách hay qua mặt chủ trong công việc. Còn trung thành thể hiện ở chỗ làm ở tiệm phải biết giúp tiệm “build” được khách, gắn bó với tiệm, hòa nhã hòa đồng với đồng nghiệp, luôn biết tạo hình ảnh tốt đẹp cho tiệm trước mặt khách, không phàn nàn, không nói xấu chủ tiệm đồng nghiệp, nói xấu khách hàng.
– Cám ơn chị nhiều, ý kiến của chị rất đáng trân trọng.
– Thợ nail muốn mau phát đạt phải có thợ pro, chị có nghĩ vậy không ? – chúng tôi trao đổi với chị Kathy Hoang– chủ một tiệm Nail ở vùng Carson – Cali.
– Tiệm nail nào cũng có thợ ruột của mình, là thợ ở lâu với tiệm, gắn bó với tiệm. Thường đó là những người thợ giỏi và có đạo đức, nhưng không luôn hẳn như vậy, nhiều khi tánh tình quan trọng hơn, tay nghề khá khá cũng tốt rồi.
– Chị có sợ thợ nail pro “chảnh” không? Nghe nói có nhiều người dùng từ “ chảnh” để chỉ một số thợ nail nào đó thường tự cho mình là hơn người khác?
– ( cười) Chảnh à … cũng có ít người đó, mới vào tiệm mà đã đòi hỏi bao lương này nọ, làm thì không chu đáo dù làm rất nhanh, tánh lại hay ganh ghét với người khác. Tiệm nào không biết … ở tiệm chị, chị cho nghỉ sớm!?
– Vì sao vậy chị?
– Thợ pro kiểu đó không ham. Họ sẽ là nguyên nhân đưa đến xung đột, hiềm khích trong tiệm về sau, chưa kể làm mất khách của tiệm không chừng!?
– Rất vui, được nghe chị tâm sự như vậy!
Có thể những trao đổi ngắn dạng bỏ túi này không có được đầy đủ mọi ý kiến của những người trong giới kinh doanh và hành nghề nail ở Mỹ, nhưng có lẽ chúng ta cũng thấy được một điều rất tế nhị đó là tiệm nail nào cũng cần có thợ giỏi cả, vì đó chính là điểm tựa để tiệm thu hút khách.
Tuy nhiên, thợ nail pro đúng nghĩa trước hết phải là thợ nail giỏi xét ở khía cạnh nghề nghiệp chuyên môn, kế đó phải là người có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, đồng thời có tác phong làm việc tốt từ cách ăn mặc, giao tiếp cho đến nghệ thuật phục vụ khách hàng (customer service).
Nói vậy không có nghĩa là quá cầu toàn, mà đó chính là điểm cần hướng tới như một mục tiêu nghề nghiệp đúng đắn. Cộng đồng Nail Việt khi được giới truyền thông Mỹ nhắc đến không ít người chê bai khi nghĩ đến số lượng hơn là chất lượng mà cộng đồng Nail Việt đã mang đến cho thị trường Nail ở Mỹ nói riêng và ngành công nghiệp thẩm mỹ nói chung.
Đáng trân trọng là chính sự có mặt của người Việt làm nghề nail khắp nơi, đã nhanh chóng góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo nhiều mặt của ngành công nghiệp làm móng ở Mỹ, hình thành và làm thay đổi không ít những thói quen và quan niệm thẩm mỹ của nhiều người ở Mỹ, giá trị tăng vọt về doanh số và tỷ suất lợi nhuận của ngành Nail đã và đang minh chứng cho những đóng góp trân trọng của cộng đồng Nail Việt – của những người thợ Nail Việt từ người mới vào nghề cho đến những thợ nail giỏi, thợ nail “pro” Việt khắp nơi trên nước Mỹ.
-
Dịch vụ thiết kế menu bảng giá tiệm nail ở đâu?
Menu hay bảng giá cho tiệm nail? Menu dạng cuốn (menu book) và bảng giá treo tường (wall menu) là hai vật dụng không thể thiếu tại mỗi tiệm nail. Tho...
-
4 Ưu điểm vượt trội của VNailPro’s menu
Menu là một phần không thể thiếu của các cơ sở kinh doanh dịch vụ như tiệm nail. Trong đó, menu sẽ đóng góp vào phần kiến tạo thương hiệu và xây dựng ...
-
Menu book hay bảng giá treo tường cho tiệm nail?
Tại sao các tiệm nail thời xưa dùng bảng giá treo tường chứ không phải menu book như nhà hàng hay spa của Mỹ? Sự thiếu thốn về dịch vụ, sự hạn chế về ...