VNailPro Cung đấu tiệm nail và cái kết

Cung đấu tiệm nail và cái kết

Vợ tôi thích làm nail lắm! Cổ thích cái cảm giác được ai đó tỉ mẩn chăm chút từng chiếc móng tay cho mình. Hai vợ chồng vẫn còn son nên đi đâu cũng quấn lấy nhau. Chiều vợ, mỗi lần cổ rủ là tôi cắp laptop ra tiệm nail ngồi chơi, chờ cô ấy làm xong. À quên chưa giới thiệu, tôi làm Copywriter cho 1 tờ báo nên rất dễ rảnh. Cứ có wifi và laptop là tôi đi đâu cũng được à. Mà cũng nhờ những bữa ra ngoài cùng vợ như vầy. Tôi mới được chứng kiến đủ chuyện drama mà tôi dám cá là chỉ có ở tiệm nail.

 

Một chiều California như thường nhật, tôi lại ngồi làm việc trong tiệm nail “Bella Donna” cuối phố chờ vợ làm móng. Không gian rộng rãi, nội thất thanh lịch và có phần sang trọng, giá cả xứng tầm chất lượng nên cả tôi lẫn cô vợ đều ưng lắm. Dưới cái nắng dìu dịu 70°F, ngồi bên bàn manicure màu bạch ngọc, tôi lờ mờ nghe thấy bà chủ tiệm đang phone với ai đó bằng những câu từ như có phần van nài.Tuy yếu thế trong cuộc trò chuyện, nhưng chất giọng cao sang sảng của bà vẫn át đi cái nắng chiều để rọi thẳng vào tai tôi: “Em cố arrange dùm chị xem ngày mai có đi được ngay không? Chị cũng kẹt lắm mới phải nhờ em đấy, cố dùm chị nhá!”. Chữ “nhá” được bà chủ hạ giọng nhấn mạnh đến 4,5 lần khiến tôi không khỏi chú ý. Bất giác tôi chợt hỏi cô thợ quen đang làm nail cho vợ tôi, tên San: “Có chuyện chi mà anh thấy bà chủ xuống giọng ghê vậy em?”

Tuy yếu thế trong cuộc trò chuyện, nhưng chất giọng cao sang sảng của bà vẫn át đi cái nắng chiều để rọi thẳng vào tai tôi: “Em cố arrange dùm chị xem ngày mai có đi được ngay không? Chị cũng kẹt lắm mới phải nhờ em đấy, cố dùm chị nhá!”. Chữ “nhá” được bà chủ hạ giọng nhấn mạnh đến 4,5 lần khiến tôi không khỏi chú ý. Bất giác tôi chợt hỏi cô thợ quen đang làm nail cho vợ tôi, tên San: “Có chuyện chi mà anh thấy bà chủ xuống giọng ghê vậy em?”

San, vốn biết tôi từ trước, tươi cười đáp lại dù đôi mắt vẫn dán chặt lấy đôi bàn tay xinh xắn: “Dạ anh, đợt gần đây tiệm mới có mấy người xin nghỉ làm. Mà toàn người làm lâu năm không à.  Tay nghề cứng cả nên bà chủ cũng đau đầu lắm. Tìm thợ nail bây giờ cũng khó, lành nghề lại càng khó nữa. Bà chủ vừa gọi cho chị Yến thợ cũ của tiệm, mới nghỉ bầu được mấy tháng.”

“Anh tưởng mình cứ có tiền thì tìm thợ nail ở đâu chả được? Mà tiệm cũng vắng khách, vẫn có thợ ngồi chơi. Tuyển thêm làm chi cho phí?”. Chút tò mò pha lẫn ngạc nhiên khiến tôi hỏi dồn dập 2 câu liền.

Tôi chợt thấy nụ cười khẽ nhếch mép từ phía San nhưng rất nhanh được chữa lại bằng 1 nụ cười hiền kèm theo câu trả lời từ tốn: “Tại chị hay dẫn anh đi vào ngày thường để được từ từ làm cho đẹp. Chứ cuối tuần, từ thứ 5 trở ra là bọn em ngay cả đi vệ sinh cũng còn chả dám. Có hôm làm thông trưa đói mờ mắt, ngẩng đầu lên vẫn thấy khách ngồi đầy trên ghế salon chờ.” Ngưng 1 nhịp để với lọ màu, San nói tiếp: “Thợ nail gốc Á giờ khó tìm lắm, có nơi họ phải tuyển cả thợ Mễ vào làm. Còn thợ nail Việt mà tay nghề cứng thì họ đều đã có chỗ ổn định. Như mấy người vừa xin nghỉ đó, lương tháng cả típ 6, 7 ngàn. Bà chủ còn trả bằng tiền mặt nên họ có phải đóng đồng nào tiền thuế đâu. Thế mà có chút accident cái là xin nghỉ ngay được!”. Vừa dứt lời cô liền đánh mắt sang phía bà chủ tiệm dò xét.

“Lương 6-7 ngàn, không thuế thì dỗi cái gì mà nghỉ việc?”. Nhận thấy giọng nói đầy ngạc nhiên, pha lẫn bất bình cảm thán, San tít mắt cười để lộ chiếc răng khểnh rất duyên rồi nháy tôi: “Anh nhìn kìa!”. Cô khẽ ngẩng đầu lên chỉ hướng rồi lại cúi mặt xuống ngay. Lúc này tôi mới thoáng thấy ánh mắt của San lộ rõ vẻ mệt mỏi với 2 bọng mắt khá lớn. Cô thấp giọng thì thầm: “Anh có thấy cái bà đang cầm smartphone, ngồi kế bên ông thợ nail kia không?”.

Đập vào mắt tôi là hình ảnh người đàn ông Việt cao ráo, sáng sủa, đang ngồi bên ghế pedicure làm nail cho khách Mỹ đen. Ngay cạnh đó là bà thợ nail trung trung tuổi, tay đang mân chiếc iPhone trò chuyện gì đó rất say sưa. Và kỳ lạ hơn là ánh mắt của cô ta cũng toát lên vẻ mệt mỏi y như San vậy. Mãi về sau tôi nghe ra là người phụ nữ đó đang dạy việc cho anh chàng kia: “Chùi sơn… Cắt đi… Giũa… Bỏ softener lên…”.

Đợi tôi nhìn đủ lâu, San mới lên tiếng giải thích: “Bà đó là Ánh “Ma’am”, có thâm niên nhất ở đây, đang đào tạo người mới. Làm ngành dịch vụ này, kỵ nhất là để khách biết mình là tay mơ. Thế nên người hướng dẫn phải khéo. Nếu không thì không những không có típ, mà có khi lại mất khách, cả năm sau không thấy họ quay lại”.  Người Việt mình tinh tế và tận tình với nhau thật, tôi thầm nghĩ. Như bắt được ý, chờ thoáng suy nghĩ đó trôi đi, cô thợ nail nhỏ nhắn mới tiếp lời: “Cậu kia là em họ bả, mới từ bên Việt Nam qua. Chả phải ngẫu nhiên mà lại tận tình thế đâu. Chứ ai mà tay không vào nghề, không quen biết là lĩnh đủ luôn á”.

“Trời, đi làm nail mà cũng phải có quan hệ nữa hả?”. “Chứ sao anh, ngày xưa em mới vào làm bị mẹ Ánh đó bắt nạt không hà. Tuần đầu đi làm còn không có típ. Sau này mới hiểu, đối với những nghề phục vụ kiểu vầy mà khách không cho típ là “chuyện lớn”. Mà cũng chính vì cái típ mà quán mới đìu hiu như này đó anh!”. Bằng giọng hào hứng đưa chuyện pha chút dửng dưng, San kể lại cho tôi nghe về cuộc đấu đá với những chi tiết như chỉ có trong cung đình ngay tại tiệm.

 

Cung đấu tiệm nail và cái kết tai hại

Tiệm “Bella Donna” này đã mở ngót nghét hơn chục năm rồi. Hồi đấy ở đây làm nail tranh gay gắt lắm, dọc từ đầu phố đi xuống dễ đến cả chục tiệm. Quán nào cũng có thâm niên tối thiểu 4,5 năm rồi. Chỉ có quán của bà chủ là ma mới nên rất hay bị các quán khác chơi xấu. Đồng loạt hạ giá kịch sàn vào đúng ngày khai trương. Khiến hôm đó cả quán chả có ma nào thèm lai vãng, trừ mấy người quen đã được hẹn trước để đến ủng hộ. Nhưng trò trẻ con đó đâu có làm bà chủ nản chí, ngược  lại nó còn giúp bà nhận ra vấn đề sống còn, đó là phải có sự khác biệt.

Nghĩ là làm, bà chủ tiệm liền vay mượn khắp mọi nơi, đầu tư thêm tiền vào nội thất. Những bộ sofa Pháp Heritage nhanh chóng được nhập về. Ghế Pedicure cũng được nâng cấp lên loại tiên tiến nhất với đầy đủ tiện ích. Thậm chí còn đầu tư cả website riêng để tiện quảng cáo online. Và trên hết là đội ngũ thợ có tay nghề cao được khéo léo chiêu dụ từ 1 vài tiệm xung quanh trong đó mà hạt nhân chính là “Ma’am” Ánh – cô gái gốc Bắc nhập cư theo diện hôn thê.

Chất giọng Anh – Mỹ rất chuẩn khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng nhạy bén. Cùng với đó là đôi bàn tay khéo léo chuyên may vá thêu thùa đã khiến Ánh dễ dàng nắm trọn sự tin yêu của cả chủ lẫn khách. Rồi tiệm cũng dần phát đạt lên trông thấy, từ 5 thợ, lên đến 8 rồi 16 thợ. Mà mảnh đất lắm người thì nhiều ma. Dần dà nhóm thợ trong tiệm phân hóa thành 2 phe. Phe thợ cũ do “Ma’am” Ánh nắm đầu có thâm niên, giao tiếp tốt lại nhiều khách quen. Phe thợ mới từ Việt Nam qua do cặp tình nhân Hồng, Phillip Quy – gã thợ điển trai nhưng đôi lúc tính như đàn bà cầm đầu. Còn lại là 1, 2 người như San mặc kệ sự đời, quanh năm cắm mặt vào làm.

Sự phân chia này ban đầu chỉ mang tính cá nhân, ai hợp thì chơi, chẳng hề có đấu đá gì. Nhưng phàm ở đời, cứ động đến lợi ích của nhau thì không thể có cơm lành canh ngọt được! Thu nhập của thợ nail trong tiệm này thường có dao động rất lớn do khác biệt tay nghề cũng như cách chia turn mang nặng cảm tính của bà chủ. Những lúc vắng khách, nhóm thợ cũ của “Ma’am” Ánh thường được ưu ái cho bắt turn trước. Thế chưa đủ, vào giờ cao điểm, nhóm của “mẹ” Ánh còn thường xuyên được bà chủ gửi gắm cho các khách sộp (được bo nhiều hơn).

Chưa hết, với vốn tiếng Anh không được tốt như nhóm thợ cũ, phe Hồng – Phillip thường rất hạn chế giao tiếp với khách hàng. Lượng khách quen cứ thế mà thua kém dần kéo theo đó là sự ức chế. Đã vậy, cánh thợ cũ còn thường xuyên tìm cách bắt lỗi cánh thợ mới để dằn mặt cũng như lấy le với bà chủ. Mâu thuẫn từ từ được nới rộng, khoét sâu rồi cái gì đến cũng đến.

Vợ của Phillip Quy –  gã bảnh trai “đàn bà” đang cặp bồ với Hường sang đoàn tụ cùng chồng. Chẳng chóng thì chầy, gã cũng đành bấm bụng đưa vợ đến thử việc tại tiệm. Vào 1 biểu chiều cuối tuần bận rộn, Phillip và Hồng bận tranh khách sộp với phe thợ cũ mà bỏ quên mất người của mình. Vợ Phillip (hôm đó được giao cho Hồng kèm) do thiếu kinh nghiệm đã mắc lỗi. Bất giác bà khách da trắng kêu lên: “Sao cô không sơn sát phao chân vậy?”. Trong lúc ấp úng chưa biết trả lời thế nào, bà thợ vụng kia ấp úng tắc tịt hồi lâu rồi vội lấp liếm: “Ờ, sơn sát nhìn không đẹp, khi móng mọc dài ra thì xấu lắm…”. “Ma’am” Ánh ngồi bàn manicure bên cạnh đó nghe không sót 1 lời. Vốn ngứa mắt vì bị Phillip tranh mất mấy khách sộp buổi sáng, nên sau khi ra ghi phiếu, Ánh đã thì thầm to nhỏ gì đó với bà chủ tiệm. Những điều “mẹ” Ánh nói là gì thì không ai biết, nhưng chắc chắn đó là cơn thịnh nộ lớn nhất từ bà chủ mà San từng được chứng kiến. Cả bồ lẫn vợ bị lôi ra chửi khiến Phillip cả giận mất khôn. Và tất cả tinh hoa “đàn bà” nhất của gã đã được tuôn ra trong ngày hôm đó.

Kết thúc là Phillip dắt vợ xin nghỉ việc. Hồng vừa mất bồ, vừa mất phe cánh cũng xin nghỉ việc ngay sau đó. Đám thợ mới người thì chạy sang tiệm đối thủ, người thì quay lại cắm mặt vào làm việc như San. Hậu quả nhãn tiền với chủ tiệm là mất nửa non số thợ cứng. Thành ra mất doanh thu, mất khách do tìm thợ nail đã khó, tìm thợ nail đáp ứng được nhu cầu của khách hàng còn khó hơn. Còn nhóm thợ cũ của “Ma’am” Ánh cũng chẳng vui vẻ được bao lâu. Vì bây giờ phải gồng gánh mọi việc nên cũng chẳng còn thời gian mà kén chọn khách nữa. Thêm vào đấy là thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, ăn uống không đảm bảo của người Việt khiến ai nấy đều tiều tụy, hốc hác.

Áp lực từ nhiều phía cùng lối sống kém khoa học tàn phá sức khỏe của các thợ nail 

Chưa kể đến là các áp lực từ gia đình. Như San bận đến độ cả không có thời gian chăm sóc cho 2 đứa con thơ. Chồng hắt hủi, trách móc “đi sớm về muộn”. Chủ ép, khách hàng cáu gắt, môi trường làm việc quá toxic khiến bệnh stress của cô càng nặng thêm. Mới qua tuổi 30 được vài cái xuân xanh mà xơ xác khác hẳn cô vợ tôi đang khoái chí ngắm nhìn bộ móng mới. Rồi xòe đôi bàn tay cho ánh nắng chiều chảy qua. Tôi chợt thấy khoảnh khắc đó đẹp đến lạ thường. Cái đẹp không chỉ thuần túy về mặt nghệ thuật, mà còn là sự đồng cảm cho bao tinh hoa và vất vả của người thợ nail. Tôi dắt vợ ra quầy tính tiền, không quên bo thêm 20$ cho cô thợ nail đáng mến.

Nắm tay vợ đang hí hửng trên đường về, tôi chợt nghĩ nail là 1 nghề đáng trân trọng. Vì nó mang lại sự tự tin vô cùng lớn cho phái đẹp, giúp họ yêu bản thân mình hơn – điều mà không một bộ quần áo nào có thể mang lại. Đồng thời cũng là cái nghề và cả những cái nghiệp đã nuôi sống biết bao gia đình Việt nơi xứ lạ. Giá như, bà chủ công bằng hơn 1 chút. Giá như mỗi người thợ đừng kiếm tìm sự công bằng mà thay vào đó là sự bình đẳng, đồng cảm, sẻ chia. Có lẽ, mọi người đã có thể cùng nhau hạnh phúc. Và đó có lẽ sẽ là 1 tiệm nail “đẹp” trong mắt tôi theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. United We Stand – Divided We Fall !

Phóng sự Nail (kỳ II): Tuyệt kỹ tìm thợ nail cho bà chủ tiệm

Tác động kinh tế Hoa Kỳ đến chủ và thợ nail

Hành trình từ du học sinh đến tiệm nail triệu đô

Other Blog

Contact

(856) 656 4646
Egg Harbor Township, New Jersey 08234